Trang chủ » Tin tức công nghệ » Phân biệt ngành Tiếp thị Số & ngành Truyền thông Chuyên nghiệp

Phân biệt ngành Tiếp thị Số & ngành Truyền thông Chuyên nghiệp

bởi modoro
Ngành tiếp thị số

Một trong những câu hỏi trăn trở về ngành nghề tương lai mà RMIT & Cha Mẹ nhận được nhiều nhất là phân biệt hai ngành học Tiếp thị Số (Digital Marketing) và Truyền thông Chuyên nghiệp (Professional Communication).

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp cha mẹ và các em sinh viên tương lai hiểu rõ hơn về hai ngành học này tại RMIT để bạn và con có thể cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp và đúng đắn.

Định nghĩa Tiếp thị Số và Truyền thông Chuyên nghiệp

Digital Marketing (Tiếp thị số)

Trước hết muốn “lĩnh hội” Digital marketing là gì, chúng ta phải hiểu được định nghĩa về Marketing. Philip Kotler – cha đẻ của Marketing hiện đại đã đưa ra định nghĩa: “Marketing là một dạng hoạt động của con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của họ thông qua trao đổi”. Cụ thể hơn, làm marketing có thể ví như việc nướng một chiếc bánh mà bạn phải thực hiện một chuỗi các hoạt động như nghiên cứu, phân tích, lên kế hoạch, chiến lược, phân bổ ngân sách, đo đạc, thống kê để cho ra lò sản phẩm tuyệt vời và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
 

Digital Marketing ngành tiếp thị số
Digital Marketing ngành tiếp thị số


Trong những năm gần đây, Digital marketing đang từng bước “tiếm ngôi” Marketing truyền thống trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ. Digital marketing cũng tương tự như Marketing truyền thống, nhưng nó sử dụng các công cụ kĩ thuật số.

Bằng việc làm chủ các kênh truyền thông số, sử dụng những kênh thông tin hai chiều như mạng xã hội, Digital marketing đang hỗ trợ các doanh nghiệp đắc lực trong việc tối ưu chi phí mà vẫn tiếp cận được với đối tượng mục tiêu “trúng đích” hơn.

Professional Communication (Truyền thông Chuyên nghiệp)

Truyền thông chuyên nghiệp có thể được hiểu ngắn gọn là truyền thông. Truyền thông là tương tác xã hội mà trong đó có ít nhất hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các tín hiệu, thông điệp và nhu cầu qua lại. Để đạt được sự kết quả “hai bên cùng có lợi” ấy, chúng ta cần phải bàn tới Quảng cáo (Advertising) và Quan hệ công chúng (Public Relations).

Quảng cáo là hoạt động mang mục đích thu hút sự chú ý của khách hàng thông qua những thông điệp cụ thể như giới thiệu về ưu điểm, tính năng, mẫu mã vượt trội của sản phẩm nhằm kích thích trí tò mò và sự thích thú, từ đó khuyến khích khách hàng mua sản phẩm.

Quan hệ công chúng nhằm xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi giữa các tổ chức và nhóm công chúng của họ. PR  là cách mà doanh nghiệp quản lý hình ảnh của mình thông qua một tiếng nói thứ 3 như báo chí, người nổi tiếng, những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội,…

Cấu trúc chương trình học ngành Tiếp thị Số và Truyền thông Chuyên nghiệp

Digital Marketing

Digital marketing tại RMIT thuộc khoa Kinh doanh & Quản trị. Do đó, các sinh viên ngành này có một lợi thế tuyệt vời là được học các môn đại cương chung với các ngành Kinh doanh khác. Nhờ đó, các bạn được trang bị cái nhìn toàn diện về bối cảnh thị trường, biết thêm về những kỹ năng cần thiết về kinh doanh và quản lý.

Về mặt chuyên môn, sinh viên được phát triển những kỹ năng tiếp thị số không thể thiếu hiện nay như phương pháp làm chủ các kênh truyền thông số, mạng xã hội, các hoạt động marketing trên thiết bị di động, và đặc biệt là kỹ năng cập nhật những xu hướng digital mới.

Chương trình Cử nhân Digital marketing sẽ bao gồm 12 tuần thực tập tại các doanh nghiệp trong ngành, cùng các workshops chuyên môn diễn ra thường xuyên giúp bạn chuẩn bị trước cho moi trường làm việc chuyên nghiệp.

Ngành học này thuộc Khoa Truyền thông và Thiết kế, bao gồm hai chuyên ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng (PR). Trước khi chọn chuyên ngành vào giữa năm 2, sinh viên phải hoàn thành những môn đại cương.

Sinh viên ngành này được đánh giá thông qua các dự án cá nhân và nhóm. Ngoài ra, chương trình thực tập ở các công ty truyền thông đa quốc gia bắt buộc trong chương trình học cũng là một cơ hội để sinh viên vận dụng những kiến thức đã học.

Con cần có những tố chất nào?

Digital Marketing sẽ phù hợp nếu con bạn có các phẩm chất sau đây:

— Tư duy hơi hướng kinh doanh, cộng thêm một chút “máu liều”
— Yêu thích việc hoạch định chiến lược và theo sát kế hoạch đến cùng
— Thích việc phát triển, định giá sản phẩm và chỗ bán
— Muốn làm quen với nhiều người, mở rộng mối quan hệ cá nhân

Con sẽ phù hợp với ngành Truyền thông Chuyên nghiệp nếu sở hữu:

— Tư duy ngôn ngữ và hình ảnh
— Có khả năng thuyết phục, ăn nói khéo léo
— Theo đuổi sự sáng tạo và thích thử nghiệm những điều mới mẻ
— Viết lách tốt, thích tổ chức sự kiện

Môn học nổi bật

“Trăm nghe không bằng một thấy” – mỗi ngành đều có những môn học “đặc sản” riêng chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng chuyên môn và tâm lý vững vàng cho công việc thật. Những trải nghiệm với các môn học này có thể nói là “đắt xắt ra miếng”.

Digital Marketing

Ngay từ năm 2, sinh viên ngành Tiếp thị số đã được học một môn thú vị mang tên Marketing Truyền thông kỹ thuật số (Digital Marketing Communication).  Tại đây, các bạn phải giải một đề bài phía khách hàng đưa ra. Điều đặc biệt là những đối tác trong môn học này toàn là những “ông lớn” trong ngành. Trong một học kỳ gần đây, một nhóm sinh viên đã giành được suất thực tập từ công ty Lazada sau khi trình bày ý tưởng để quảng bá ứng dụng mới của công ty.

Một môn học khác cực kỳ hấp dẫn, nhưng không hề dễ dàng chính là Sáng tạo nội dung số (Digital Content Creation). Đối với những môn học “thách thức lòng người” như thế này, các bạn sinh viên được học thông qua những workshop thú vị với những chuyên gia trong ngành. Dustin Nguyễn – nhà sản xuất của các show “nghìn views” như Bar Stories, Sneak Show và Sống Phải Chất Lượng đã từng đến chia sẻ trong khuôn khổ của khoá học này.

Professional Communication

Ngành học này đòi hỏi sinh viên phải thực hiện những dự án liên quan nhiều đến sáng tạo hình ảnh, quay phim… ngay từ năm học đầu tiên. Học Truyền thông chuyên nghiệp, sinh viên cũng có cơ hội làm việc với khách hàng thật trong khuôn khổ môn Thực hành triển khai dự án truyền thông (Interdisciplinary Communication Project). Những dự án có thể linh động từ truyền thông nội bộ, quảng bá thương hiệu, đến nâng cao nhận thức về một vấn đề xã hội.

Kết luận:

Tiếp thị Số và Truyền thông Chuyên nghiệp là hai lĩnh vực quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, tăng doanh số và thu hút khách hàng tiềm năng. Trong khi Tiếp thị Số tập trung vào sử dụng công nghệ số để quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ, Truyền thông Chuyên nghiệp tập trung vào việc truyền tải thông điệp một cách hiệu quả đến công chúng thông qua các phương tiện truyền thông truyền thống và kỹ thuật số. Sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này có thể giúp tăng sự nhận thức về thương hiệu, tăng doanh số và xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng.

Nguồn: tổng hợp

Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Logo Công Ty Cổ Phần Công Nghệ MODORO

© 2020. All rights reserved by MODORO

 

Giấy phép kinh doanh số 4201 768 504 cấp ngày 22/11/2017 bởi Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Khánh Hoà, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 06/03/2019.